Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Bắc Kạn


Bắc Kạn, cũng được viết là Bắc Cạn, là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp tỉnh Thái Nguyên và phía tây giáp tỉnh Tuyên Quang.

Dân số tỉnh theo điều tra dân số ngày 01/04/2009 là 294.660 người, là tỉnh ít dân nhất cả nước.

Hành chính

Tỉnh Bắc Kạn có 1 thị xã và 7 huyện:

* Thị xã Bắc Kạn
* Huyện Ba Bể
* Huyện Bạch Thông
* Huyện Chợ Đồn
* Huyện Chợ Mới
* Huyện Na Rì, huyện lỵ là Yên Lạc
* Huyện Ngân Sơn
* Huyện Pác Nặm

Vị trí địa lý

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi cao, địa hình bị chi phối bởi những dãy núi vòng cung quay l­ưng về phía đông xen lẫn với những thung lũng. Bắc Kạn có thể phân thành 3 vùng nh­ư sau:

* Vùng phía tây và tây-bắc: bao gồm các mạch núi thuộc khu vực huyện Chợ Đồn, Pác Nặm, Ba Bể chạy theo hư­ớng vòng cung tây bắc–đông nam, định ra h­ướng của hệ thống dòng chảy lư­u vực sông Cầu.

* Vùng phía đông và đông-bắc: hệ thống núi thuộc cánh cung Ngân Sơn chạy theo hư­ớng bắc-nam, mở rộng thung lũng về phía đông bắc.

* Vùng trung tâm: vùng địa hình thấp, kẹp giữa một bên là dãy núi cao thuộc cánh cung sông Gâm ở phía tây, với một bên là cánh cung Ngân Sơn ở phía đông.



Kinh tế

Bắc Kạn Là tỉnh vùng núi cao, có địa hình phức tạp, cơ sở vật chất và kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên những năm gần đây tỉnh Bắc Kạn đã có 1 số bước phát triển đáng kể. Một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh năm 2005:

* Nông, lâm nghiệp tăng 5%/năm.
* Công nghiệp & xây dựng tăng 35%.
* Dịch vụ - du lịch tăng 15%, trong đó lượng khách du lịch đến tỉnh Bắc Kạn tăng 19-20%/năm.
* Thu nhập GDP bình quân đầu người xấp xỉ là 216 USD.
* Sản lượng lương thực có hạt đạt 124.000 tấn.
* Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của Việt Nam còn 50,87%.

Bắc Cạn có thế mạnh phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, nông lâm nghiệp và du lịch.

Du lịch

Bắc Kạn là tỉnh giàu tiềm năng du lịch bởi sự phong phú của tài nguyên, khoáng sản và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc miền núi đông bắc Việt Nam.

* Hồ Ba Bể là danh thắng thiên nhiên được công nhận là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1996, hiện nay đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hội xuân Ba Bể được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hàng năm.

* Căn cứ địa cách mạng-ATK Chợ Đồn: một trong những khu căn cứ của Hồ Chí Minh và các cán bộ cấp cao của Đảng Cộng Sản trong kháng chiến chống thực dân Pháp.


* Ngoài ra phải kể đến những danh thắng nổi tiếng như: động Puông, động Nả Poỏng, động Ba Cửa, hang Sơn Dương, khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.


Đi đâu?


Vườn quốc gia Ba Bể


Con đường bộ từ Hà Nội đi Bắc Kạn vượt qua những triền đồi thoai thoải làm tốc độ di chuyển của chúng tôi có phần nhanh hơn. Hai bên đường rất nhiều bà con dân tộc Tày làm rẫy làm ruộng. Thỉnh thoảng chúng tôi đi qua những làng làm nghề đúc rèn dao, rựa, kiếm các loại dùng để đi rừng, phá rẫy và cày bừa của người dân tộc Tày.



Khu hồ Ba Bể còn có một vùng cỏ bằng phẳng rộng lớn bên bờ hồ nơi mà người dân địa phương thường tổ chức giao lưu các dân tộc hàng năm từ mùng 8 đến 11 tháng Giêng âm lịch sau Tết Nguyên đán. Những ngày này có hội chọi bò, chọi trâu,... các trò chơi dân gian, múa hát của các dân tộc và người Kinh trong vùng.

Khu vực này có tổ chức homestay cho khách du lịch nghỉ với dân. Có rất nhiều nhà dân làm dịch vụ này. Đa số các nhà đều được xây dựng bằng gỗ, có lầu dùng cho du khách nghỉ ngơi.



Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản Asean vào cuối năm 2004. Hồ Ba Bể có cảnh quan địa chất độc đáo và đa dạng sinh học.Vườn quốc gia hồ Ba Bể được công nhận là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam. Đến du lich hồ Ba Bể, du khách sẽ thỏa thích đắm mình trong ao Tiên, chèo xuồng kayak, khám phá hang động, thưởng ngoạn suối thác, ăn rau rừng, cá suối, gà đồi,...

Huyền bí động Nàng Tiên - Na Rỳ (Bắc Kạn)


Từ Thủ đô Hà Nội ngược Quốc lộ 3 tới địa phận Thác Giềng (thị xã Bắc Kạn) rồi rẽ phải, băng qua dải đèo Áng Toòng quanh co uốn lượn, du khách sẽ đến với huyện vùng cao Na Rỳ của tỉnh Bắc Kạn.

Thị trấn Yến Lạc nằm gọn trong một một thung lũng bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao. Nơi đây bốn mùa khí hậu ôn hòa. Dòng sông Bắc Giang tự ngàn xưa vẫn hiền hòa tuôn chảy tô điểm thêm cho nét đẹp yên bình của thị trấn vùng cao này.

Từ thị trấn Yến Lạc đi chừng 5km sẽ đến núi Phja Trạng (núi đá voi). Dưới chân núi, cách bờ một con suối mang tên Khuổi Hai (suối trăng) khoảng 150m có một khu động đá tự nhiên với vẻ đẹp kì thú, đầy huyền bí - động Nàng Tiên. Động Nàng Tiên ăn sâu vào lòng núi khoảng 60m, có độ cao từ 30 - 50m. Bước vào trong động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét đẹp đầy hấp dẫn của tự nhiên.



Động Nàng Tiên - Thắng cảnh thiên nhiên kì thú của huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn đã được người xưa thêu dệt nên những truyền thuyết đầy li kì, thần bí và hấp dẫn như thế. Người dân vùng cao Na Rỳ, Bắc Kạn tự hào và gắn bó biết bao với thắng cảnh tuyệt vời mà tạo hóa đã dành cho quê hương mình.

Năm 1999, động Nàng Tiên đã được bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Hãy một lần đến với vùng cao Na Rỳ Bắc Kạn, đến thăm động Nàng Tiên với vẻ đẹp đầy huyền bí để thưởng thức trọn vẹn kiệt tác của tự nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Động Hua Mạ (Bắc Kạn) - Vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí


Nằm cách hồ Ba Bể khoảng 6 km về phía Nam có một sơn động nổi tiếng, đó là động Hua Mạ hay còn gọi là “Động Treo”. Một hang lớn với vẻ đẹp cuốn hút, mang trong lòng những huyền sử kỳ bí.

Được gọi là Động Treo bởi hang động này nằm ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt nước biển là 350m, có chiều dài hơn 700m, trần động có chỗ rộng và cao tới 40 – 50m, động có cửa vào ở phía Đông và thông ra ở phía Nam. Cửa động trông xuống một vùng nước non xanh biếc.



Người xưa đặt tên và ghi nhận sự kỳ vỹ của sơn động bằng dòng chữ cổ ngay trên vách đá bên trái “Hua Mạ kỳ quan đệ nhất động”. Bên phải cửa chính đã bị lấp kín bằng các viên đá xếp chèn lên nhau. Việc lấp cửa động Hua Mạ còn đang là một bí mật và có nhiều cách lý giải khác nhau… Song theo người dân nơi đây thì động Hua Mạ từ lâu đã được gắn liền với một truyền thuyết dân gian…

Truyện kể rằng ở khu vực “Lèo Pèn” tiếng dân tộc có nghĩa là “Rừng Ma” nơi ma quỷ ngự trị. Tại lưng núi có một sơn động lạ. Ngày ngày, cứ buổi chiều tà, tiếng kêu hú từ phía động vọng ra khiến dân chúng trong vùng không ai dám lai vãng khu vực động.

Ngày đó có một vị tướng triều đình đi tuần qua, khi đến bờ sông Lèng thì trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay khi qua sông, cứ xuống đến nước ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó.

Cùng lúc đó từ phía “Lèo Pèn”, tiếng hú vọng ra. Thấy sự việc lạ, quan quân cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc họ đã cố thủ trong hang. Bọn giặc không làm gì được đã bít cửa hang, do đó những oan hồn không được siêu thoát.

Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn, nơi đó qua năm tháng đã mọc lên những khối nhũ đá rất đặc biệt kỳ vỹ.

Trầm tích thời gian tạo nên  những nhũ đá mang hình bông hoa, đài sen đức Quan âm bồ tát và cảnh thầy trò Tam Tạng đi lấy kinh đứng thành hàng, có nơi lô nhô mỏm đá như một buổi thiết triều có đông đủ văn võ bá quan....

Từ đó người ta gọi sơn động “Lèn Pèn” là động Hua Mạ hay tiếng địa phương gọi là hang đầu ngựa, để ghi nhớ một sự tích kỳ bí và huyền thoại của mảnh đất và con người nơi đây.

Thác Nà Khoang - di tích danh lam thắng cảnh


Thác Nà Khoang nằm ở chân Đèo Gió, cạnh Quốc lộ 3, cách trung tâm thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn 6 km. Khu vực thác có diện tích khoảng 12 ha, là nơi hợp thành của 2 con suối lớn, đó là dòng suối Nà Đeng chảy qua khe núi Lũng Chang, con suối nhỏ bắt nguồn từ đỉnh núi Phia Sliểng chảy từ hướng Tây Nam xuống khoảng 88 m thì hợp thủy với dòng suối Nà Đeng, với độ dốc lớn đã tạo thành hệ thống thác 4 tầng dài khoảng 600m, chiều rộng trung bình 15m, sau đó chảy xuống suối Bản Mạch. Phía trên thác còn có một hồ nước nhỏ trong xanh là địa điểm tắm lý tưởng cho những ai muốn tránh sự ồn ào, đắm mình trong thiên nhiên. Khu vực xung quanh thác chủ yếu là rừng tái sinh, có độ che phủ trung bình từ 75 đến 85%, về động vật có nhiều loài chim, sóc, bò sát, cá sinh sống. Cư dân ở đây đều là dân tộc Mông, Dao hiện đang lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống như trang phục, tín ngưỡng, các làn điện dân ca, dân vũ, tạo thêm sự đa dạng, phong phú làm sinh động môi trường văn hóa nơi đây.



Với phong cảnh đẹp, hấp dẫn, khí hậu mát mẻ, trong lành và có giá trị nghiên cứu về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái, thác Nà Khoang đã được UBND tỉnh công nhận là di tích danh lam thắng cảnh của tỉnh. Hiện nay, khu vực thác Nà Khoang đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn Bắc Hải Hà đầu tư xây dựng một số hạng mục và khai thác phục vụ khách du lịch như xây kè, mở đường mòn theo hai bờ suối, đường đến bãi tắm, nhà ăn, nhà nghỉ tạm...; trong tương lai, sẽ đầu tư nâng cấp thành nhà nghỉ hiện đại, khu vui chơi thể thao giải trí lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghỉ mát của du khách gần xa./.

Bản Pác Ngòi - điểm hẹn hấp dẫn của du khách


Đến với hồ Ba Bể du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mênh mông sông nước giữa núi rừng xanh thẳm với nhiều thảm thực vật quý hiếm và cảm nhận những nét nguyên sơ giữa đại ngàn, hay đi thăm thác Đầu Đẳng, ao Tiên, động Puông, đảo Bà Góa… du khách còn được “quyến rũ” bởi những nếp nhà sàn truyền thống của bản Pác Ngòi xã Nam Mẫu (Ba Bể) và ở đó du khách có thể được “chiêu đãi” bằng những nét bản sắc độc đáo của người Tày bản địa.



Bản Pác Ngòi có hơn 40 nếp nhà sàn truyền thống nằm nép mình bên triền núi nhưng được hiện hữu ngay bên hồ Ba Bể do đó càng làm tôn thêm vẻ đẹp của vùng du lịch sinh thái vốn nổi tiếng nới đây.

Thật lạ, trong khi ở nhiều địa phương khác những nếp nhà sàn truyền thống dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố, hiện đại thì tại đây bản Pác Ngòi vẫn còn đó những ngôi nhà sàn mang dáng vẻ nguồn gốc vốn có từ xưa. Theo chính quyền nơi đây cho biết: Người dân địa phương không xây dựng nhà cửa hiện đại không phải vì họ không có tiền mà là bởi họ muốn giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa của người Tày. Nếu không có những ngôi nhà sàn thì bản Pác Ngòi không còn là Pác Ngòi nữa.

Ăn gì?


Măng ngâm ớt – Đặc sản Bắc Kạn


Mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có phong tục, tập quán, những nét đặc trưng riêng. Bắc Kạn - tỉnh miền núi phía bắc cũng có không ít những nét đẹp riêng, những đặc sản mà ta khó có thể tìm thấy ở bất cứ đâu . “ Măng ngâm ớt “ - Đặc sản nổi tiếng ở Bắc Kạn là một minh chứng cho điều đó.

Măng ngâm ớt đặc biệt ở chỗ người làm ngâm măng cùng với quả mắc mật, đây là loại quả chỉ mọc trên vùng núi đá phía bắc.



Măng thái nhỏ, ớt và mắc mật để cả quả, rửa sạch để ráo.Tất cả được ngâm chung với nước muối có độ đậm vừa.Màu trắng của măng xen lẫn với màu đỏ tươi của ớt và màu xanh nâu của mắc mật thơm nồng là món quà thắm đượm hương vị quê nhà mà người dân Bắc Kạn dành là quà cho người thân và du khách đến thăm quê mình. Măng ngâm ớt thường được dùng cho vào nước chấm và hay ăn kèm với những món ăn chóng ngấy như chân giò hầm, khau nhục…

Đến với Bắc Kạn, nghỉ ngơi một đêm bên bếp lửa nhà sàn và thưởng thức những sản vật của núi rừng nơi đây, hẳn du khách sẽ không thể quên được hương vị đặc trương của món ăn này: Món măng ngâm ớt.

Tôm chua Ba Bể – Đặc sản Bắc Kạn


Tôm chua là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc.

Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể) bởi lẽ nó không chỉ là món ăn quen thuộc của đồng bào miền núi nữa mà nó đã được nhiều du khách thập phương biết đến.



Ở vùng này người ta thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kỹ thái mỏng, một đĩa khế chua, nem thính tai lợn, chuối xanh, búp đinh lăng, lá mậy sâu (loại cây trên rừng)…Quý khách đến đây giữa cảnh trời mây non nước của Ba Bể mà được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ nữa sẽ thấy được cái cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyên với vị ngọt của tôm thì quả là lý thú.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét